fbpx
Nhận định về triển vọng năm 2021, các chuyên gia cho rằng, đây vẫn sẽ là một năm đầy khó khăn của hàng không thế giới. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, vận chuyển hàng hóa được xem là điểm sáng duy nhất, ‘phao cứu sinh’ giúp các hãng bay vượt qua khủng hoảng.
Vận chuyển hàng hóa được xem là điểm sáng của hàng không thế giới trong năm 2021 – Ảnh GettyImages

Theo Hiệp hội vận tải Hàng không thế giới (IATA), 2020 có thể xem là năm tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không dân dụng toàn cầu. Kể từ khi bùng phát, đại dịch COVID-19 khiến các hãng bay ‘bốc hơi’ hơn 510 tỷ USD doanh thu, hàng ngàn nhân viên, lao động phụ thuộc vào ngành này bị mất việc. Thống kê cho thấy, số lượng khách trong năm 2020 giảm tới 60%, kéo hàng không thụt lùi gần 20 năm, xuống con số khoảng 1,8 tỷ lượt, chỉ bằng mức của năm 2003.

Nhận định về triển vọng năm 2021, IATA cho rằng, hàng không thế giới có thể tiếp tục lỗ hơn 38 tỷ USD, cao gần gấp đôi so với dự báo mà cơ quan này đưa ra trước đó. Sớm nhất phải tới 2024, hàng không mới thực sự phục hồi quy mô như năm 2019.

Ông Alexandre de Juniac, Tổng Giám đốc Hiệp hội vận tải Hàng không thế giới (IATA) chia sẻ: “Khoản thua lỗ năm vừa qua là chưa có tiền lệ trong lịch sử hàng không thế giới. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giá dầu tăng đột biến hồi năm 2008 và 2009, hàng không thế giới lỗ khoảng 31 tỷ USD. Tuy nhiên, điều đó chưa là gì để so sánh với những mất mát từ cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay”.

Tính toán cũng cho thấy, nếu không có khoản hỗ trợ, khoảng 173 tỷ USD từ các chính phủ, ngành hàng không có thể chứng kiến làn sóng phá sản ồ ạt. Tại một số quốc gia như Hà Lan, Pháp hay Singapore… chính phủ tung ra hàng loạt các gói hỗ trợ bằng hình thức cho vay trực tiếp hoặc bảo lãnh cho vay. Tuy nhiên, nhiều hãng bay vẫn phải xin tiếp tục gia hạn nợ để tồn tại.

Các chuyên gia cho rằng, ở thời điểm mua sắm trực tuyến phát triển mạnh do dịch COVID-19 như hiện tại, vận tải hàng hóa sẽ là điểm sáng duy nhất của ngành hàng không. Hiệp hội vận tải Hàng không thế giới (IATA) dự báo, doanh thu từ vận tải hàng hóa của các hãng bay sẽ tăng 15% so với năm 2019, lên mức gần 118 tỷ USD. Hiện khoảng 50% lượng hàng hóa qua đường hàng không được vận chuyển bằng máy bay chở khách. Vì vậy, khi lượng máy bay khai thác chở khách giảm có thể khiến giá vận chuyển hàng hóa tăng đột biến.

Ông Alexandre de Juniac, Tổng Giám đốc Hiệp hội vận tải Hàng không thế giới nhận định, dù vận chuyển hàng hóa không thể bù đắp hoàn toàn doanh thu mất đi từ vận tải khách, nhưng đây là yếu tố quan trọng giúp các hãng bay duy trì mạng lưới vận tải quốc tế của mình.

Hiệp hội vận tải Hàng không thế giới (IATA) dự báo, doanh thu từ vận tải hàng hóa của các hãng bay sẽ tăng 15% so với năm 2019

Nắm bắt xu hướng mới, nhiều hãng hàng không đang lên kế hoạch biến hàng loạt máy bay chở khách cũ thành máy bay vận chuyển hàng hóa. Đây cũng là cơ hội cho các công ty chuyên làm công việc hoán đổi này như Singapore Technologies, Israel Aerospace Industries (IAI) hay Aeronautical Engineers…

Ông Yosef Melamed, Giám đốc Công ty IAI chia sẻ, đại dịch COVID-19 đã biến vận chuyển hàng hóa trở thành ‘yếu tố sống còn’ của ngành hàng không thế giới: “Chúng tôi đang đầu tư rất nhiều để nỗ lực đáp ứng nhu cầu thị trường. Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 khiến các chuyến bay chở khách giảm xuống gần như bằng không. Vì vậy, giải pháp duy nhất hiện nay là vận chuyển hàng hóa, bởi xu hướng của mọi người là ở nhà và đặt hàng qua mạng nhiều hơn”.

Không đứng ngoài cuộc chơi, ‘ông lớn’ thương mại điện tử Amazon mới đây tuyên bố, đã mua 11 máy bay từ hai hãng Delta và WestJet để mở rộng mạng lưới và tăng tốc độ giao hàng của mình. Đây là những máy bay Boeing 767-300 cũ, được các hãng hàng không chuyển đổi từ máy bay chở khách sang máy bay chở hàng.

Hãng phân tích dữ liệu hàng không Cirium dự báo, trong năm 2021, số lượng máy bay chở khách chuyển đổi sang vận tải hàng hóa trên toàn cầu sẽ tăng 36%, lên 90 chiếc và 109 chiếc trong năm 2022.

Tại Việt Nam, số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, sau nhiều năm liên tục tăng trưởng 2 con số, năm 2020, thị trường vận tải hàng không Việt Nam quay đầu giảm mạnh so với các năm trước.

Tuy nhiên ngay từ giữa năm 2020, một số hãng bay trong nước đã tính toán sắp xếp khoang hành khách để tăng chở hàng theo tiêu chuẩn của máy bay. Đại diện Vietnam Airlines cho biết, từ tháng 4/2020 hãng đã tăng cường vận chuyển hàng hóa để đảm bảo giao thương trong nước và quốc tế.

Các chuyến bay chở hàng được khai thác bằng máy bay Boeing 787-9, Airbus A350 với sản lượng đạt 20-25 tấn/chiều, tương đương hệ số sử dụng tải đạt 95 – 100%. Đây là những chuyến bay chở hàng thuần túy đầu tiên của Vietnam Airlines, không có hành khách, không có tiếp viên.

Vietnam Airlines cũng cho biết đang nghiên cứu để đẩy mạnh lĩnh vực vận chuyển hàng hóa nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trước những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

English EN Tiếng Việt VI
error: Content is protected !!